THIÊN CHÚA và TRÍ HIỂU 

Giáo Hội và các Thánh nhấn mạnh rằng, đức tin Ki-tô giáo có thể hiểu được bằng lí trí, có thể chứng minh và biện minh. Điều đó có đúng không?

Đúng, nhưng có giới hạn. Đúng, đức tin không phải là bất cứ một miếng vải nào, mà mình có thể vẽ thế này thế khác lên trên đó. Đức tin liên quan tới trí hiểu, vì nó nói lên sự thật – và vì trí hiểu được tạo dựng cho sự thật. Do đó, đức tin thiếu trí hiểu không phải là đức tin Ki-tô giáo đúng nghĩa.  Đức tin thách đố trí hiểu của chúng ta. Trong cuộc trao đổi này, chúng ta cũng sẽ thấy tất cả - từ khởi đầu những ý nghĩtạo dựng cho tới niềm hi vọng Ki-tô giáo – là một bức tranh hữu lí, mà ta có thể hiểu với lí trí. Do đó, có thể nói, đức tin cũng phù hợp với lí trí. 

Ngay các nhà khoa học vẫn luôn lấy Thiên Chúa và đức tin làm đề tài suy tư. Xin kể ra một vài trường hợp. Chẳng hạn Isaac Newton, cha đẻ ngành vật lí lí thuyết, nói: « Sự thiết lập và trật tự của vũ trụ kì diệu này chỉ có thể có được do chương trình của một bàn tay tạo hoá toàn năng toàn trí. Đó là và sẽ là cái biết cuối cùng và trên hết của tôi ». Augustin Louis Chauchy, nhà toán học người Pháp, nói : « Tôi là một ki-tô hữu, có nghĩa là tôi tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, như Tycho de Brahe, Kopernikus, Descartes, Newton, Leibnitz, Pascal… như các nhà thiên văn và toán học lớn trước đây vẫn tin”. Và Guglielmo Marconi, người Í, giải Nobel, nhờ ông mà ngày nay ta có điện thoại không dây và điện thoại cầm tay, nói: « Tôi hãnh diện tuyên bố rằng tôi có đức tin. Tôi tin vào quyền năng của sự cầu nguyện. Tôi tin điều đó không những với tư cách một người công giáo, mà còn với tư cách một nhà khoa học ».

Rõ ràng, tín hữu ki-tô chúng ta không rơi vào một phiêu lưu dị đoan. Nhưng có lẽ tôi phải nêu lên hai dè dặt : Đức tin không thể hiểu đầy đủ như ta hiểu một công thức toán học, nhưng nó càng lúc càng đi vào tầng sâu hơn, đi vào sự vô tận của Thiên Chúa, đi vào cái nhiệm mầu của tình yêu. Trong lãnh vực này, có một giới hạn cho những gì con người có thể hiểu được bằng suy tư. Nhất là, con người hữu hạn chúng ta có thể hiểu gì và cái gì chúng ta có thể làm ra cho hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta người này đã chẳng hiểu hết được người kia, vì luôn có những lí do sâu hơn mà ta không thể giải thích. Chúng ta rốt cuộc cũng chẳng hiểu được cơ cấu của vật chất, ta luôn chỉ có thể hiểu tới một mức nào đó mà thôi. Trước Thiên Chúa và lời Ngài thì trí óc chúng ta lại càng phải cúi đầu khiêm tốn, vì cả hai cao vượt trên khả năng hiểu của chúng ta.

Trong ý nghĩa đó, đức tin cũng không thể chứng minh được. Tôi không thể nói được, ai không chấp nhận đức tin, người đó là ngớ ngẩn. Tin là một con đường sống, trên đó điều mình tin càng ngày càng được vững-chắc qua thử nghiệm, và được chứng tỏ cho thấy sự hữu lí trong tổng thể của nó. Như vậy, có những tiếp cận bằng trí hiểu cho phép tôi có quyền tin vào đó. Chúng cho tôi biết chắc chắn là mình không nhắm mắt dị đoan. Nhưng, không thể có một chứng minh rốt ráo, như tôi có thể làm nơi các quy luật tự nhiên.

Có thể nói, cần phải mở mang tâm trí để có thể càng ngày càng hiểu được Thiên Chúa hơn?

Cả người bình thường cũng có thể có được một hiểu biết lớn rộng về Thiên Chúa. Không nhất thiết phải có nhiều kiến thức khoa học và lịch sử ta mới có thể hiểu Chúa được nhiều hơn.

Chỉ với thực tại (con người và thế giới này) không thôi cũng đủ làm cho ta chết ngộp trong đó rồi. Nếu tim óc ta bị nhồi nhét nhiều thứ quá, nó có thể sẽ bị những thứ đó làm cho cạn và hẹp đi, khiến ta không thể nhìn ra được cái bí mật đang tác động trong thiên nhiên và lịch sử.

Tác dụng của những kiến thức khoa học lớn, như vậy, một mặt khiến con người không thể nhìn vượt qua được thực tại, và như thế chân trời suy tư của họ bị bó hẹp. Vì biết quá nhiều, người ta chỉ có thể tiếp tục suy tư ở bình diện thực tại, mà không thể nhảy vào được vòng bí nhiệm. Người ta chỉ còn thấy được cái có thể nắm bắt. Và nhìn dưới khía cạnh siêu hình thì người đó như vậy càng dốt đi. Mặt khác, cũng có thể nhờ cái biết lớn rộng đó mà ta nhìn ra được những tính toán muôn hình muôn vẻ của lí trý Thiên Chúa qua thực tại, nhờ đó hình ảnh Thiên Chúa trong ta càng mở ra, và ta càng trở nên khiêm tốn, kính trọng và thán phục thêm đối với Ngài. 

Một thí dụ thật cụ thể về khả năng thay đổi hình ảnh Thiên Chúa: Trước đây, người ta cho rằng Chúa nhìn thấy mỗi người và Ngài biết rõ người đó hiện đang làm gì. Quan điểm này, một lúc nào đó, đã bị bãi bỏ; người ta cho rằng đó là trò trẻ con mà Giáo Hội dùng để răn đe và doạ dẫm tín hữu. Ngày nay, với tiến bộ kĩ thuật, quan điểm đó lại trở lại. Lúc này, ta đã thiết lập trên không gian không những các vệ tinh truyền hình, mà cả các hệ thống điều khiển giúp ta lái xe đi tới nơi về tới chốn. Và nữa : kĩ thuật vi tính và mạng lưới đã chứng minh, chỉ cần một kích tác tương xứng ta có thể, trong một tích tắc, điều khiển và nối kết hàng triệu triệu chuyển động và tín hiệu trên khắp địa cầu, dù ở bắc Âu hay nam Phi. Khả năng mường tượng của con người càng lớn ra, thì không hiểu sao, họ lại thích thú quay trở về cái quan niệm một thời đã bị vứt vào kho phế thải. 

Vâng, quả đúng và cám ơn Chúa về những thứ mới đó giúp con người nhìn ra lại được Chúa. Có những cánh cửa đã đóng, một lúc nào đó sẽ tự mở ra lại. Càng hiểu thêm về thế giới, hình ảnh Chúa trong ta càng lớn lên trở lại và dễ hiểu ra. Nhưng điều này không xẩy ra một cách đương nhiên.